Một trong những phương pháp tốt nhất để bảo vệ trẻ khỏi bị lợi dụng, bắt nạt hay lạm dụng tình dục là dạy trẻ biết nói “không”. Khả năng này bao gồm hiểu được nhu cầu, trân trọng bản thân, biết cách từ chối làm những điều không muốn. Từ đó, các em có thể tự bảo vệ thân thể và quyền lợi của mình.
1. TỪ CHỐI MỘT CÁCH LỊCH SỰ ️
Kể về chủ đề này, TS Nguyễn Thị Thu (mẹ Aki Nguyễn) chia sẻ: Hôm qua trong bữa ăn mình thấy có miếng thịt ngon nên gắp bỏ vào bát Bon. Bon nhăn mặt lại “Sao mẹ cứ tự ý gắp cho con thế nhỉ? Mẹ đã hỏi con chưa mà cứ tự ý gắp rồi bắt con ăn”. Mình biết lỗi sai nên nhẹ nhàng bảo Bon “Ồ mẹ xin lỗi vì chưa hỏi ý kiến con mà đã tự ý gắp bỏ vào bát con rồi. Tại mẹ thấy có miếng thịt ngon nên mới gắp cho con vì nghĩ con thích ăn, và mẹ yêu con mẹ mới làm vậy mà”.
“Nhưng con không thích ăn”.
“Nếu con không thích ăn thì con có thể từ chối lịch sự là “Mẹ ơi con không muốn ăn. Mẹ đừng tự ý gắp vào bát con. Mẹ hãy hỏi con trước khi gắp nhé”.
Đây là thành ý của mẹ. Nếu như con không thích thì cũng nên học cách từ chối lịch sự, và tỏ lòng trân trọng những gì người thân làm cho mình mà.
Việc dạy trẻ từ chối một cách lịch sự cần được hướng dẫn ngay trong gia đình, và trong các hoạt động liền mạch, xuyên suốt.
2. DẠY CON THÓI QUEN TƯ DUY PHẢN BIỆN
Trong gia đình Việt Nam, câu chuyện kể ở trên thường xuyên xảy ra. Vì văn hoá của người Việt ông bà bố mẹ lúc nào cũng chỉ muốn những gì ngon nhất, tốt nhất, bổ nhất cho con cháu, nên luôn tiện tay gắp thức ăn bỏ vào bát con, cháu, hoặc luôn nhường cho con cháu những gì ngon nhất.
Nhưng những việc nhỏ hàng ngày đó đó lặp đi lặp lại trở thành một thói quen và quan niệm, đó là ông bà và bố mẹ có quyền áp đặt mọi thứ lên con cháu.
Ông bà bố mẹ đã dành mọi thứ tốt nhất cho con thì con phải biết nghe lời. Đây là những thứ ngon nhất ông bà bố mẹ gắp cho thì phải ăn chứ, từ chối là hư.
Nhưng có lẽ mỗi thời đại mỗi khác. Ngày xưa đời sống đói khổ đúng là có một miếng thịt cũng khó, được nhường nhịn cho là một đặc ân, một sự biết ơn.
Nhưng trẻ nhỏ ngày nay được sinh ra trong điều kiện đời sống vật chất dư thừa, có bao giờ chúng ăn uống thiếu chất đâu, nếu không muốn nói là chúng sợ phải bị ép ăn hơn là được ăn.
Và đương nhiên việc chúng vẫn được ông bà, bố mẹ tự ý gắp đồ ăn bỏ vào bát chúng, chẳng khác nào là sự áp đặt, ép buộc bắt chúng phải tuân theo.
Chúng sẽ đặt câu hỏi tại sao ông bà/ bố mẹ không hỏi ý kiến con mà cứ tự ý làm thế nhỉ, có lẽ là điều rất bình thường của một đứa trẻ có tư duy độc lập và phản biện.
Vì thế nếu con bạn có hỏi vặn lại như vậy thì có lẽ cũng không sai. Chúng ta cần nhìn lại cách mình thể hiện tình yêu với con trẻ đã phù hợp với thời đại hay chưa?. Và việc chúng ta vẫn vô tư dùng lại chính cách ứng xử mà ngày xưa chúng ta được nuôi dạy để làm theo bản năng, và ứng xử với con mình liệu có còn phù hợp hay không?
Thực ra để thể hiện tình yêu và sự quan tâm với con trẻ có rất nhiều cách. Đầu tiên đó là hãy để chúng cảm thấy được tôn trọng thông qua việc hãy hỏi ý kiến của chúng trước khi làm cái gì (như gắp thức ăn, đi giày dép, mặc quần áo…)
Hãy cho chúng cơ hội để quan tâm và chăm sóc lại chính ông bà cha mẹ và người thân (gắp thức ăn mời lại ông bà, chia sẻ với ông bà bố mẹ, lễ phép, giúp đỡ bố mẹ việc nhà, trông em…). Thay vì chúng chỉ suốt ngày ở tâm thế nhận, mà hãy cho chúng cơ hội để cho đi, để làm cho ai đó.
3. TỪ CHỐI TRỞ THÀNH MỘT KỸ NĂNG – HỌC CÁCH NÓI “KHÔNG”
Có thể có nhiều người không đồng ý với việc dạy con từ chối không nhận thức ăn bố mẹ hay ông bà gắp cho. Nhưng dạy con trẻ học cách từ chối và nói không cũng là một kỹ năng cực kỳ cần thiết.
Đầu tiên đó là dạy trẻ biết sống thật với lòng mình nghĩ, biết nói ra chính kiến và suy nghĩ của bản thân. Đó cũng là một sự dũng cảm rồi. Nếu từ nhỏ trẻ chỉ luôn biết sống với sự dạ vâng, đồng ý, thì càng lớn trẻ sẽ càng không có khả năng từ chối.
Có bao nhiêu người Việt Nam mình ngại từ chối? Người khác cho ngại chẳng dám nhận, nhưng từ chối thì lại sợ người khác mếch lòng nên thôi nhận đại, nhưng nhận về rồi lại bỏ đi, thật lãng phí thay.
4. TỪ CHỐI (DẠY TRẺ BIẾT NÓI KHÔNG)- MỘT KỸ NĂNG SỐNG CẦN THIẾT.
Ngoài ra, việc trẻ dám nói “Không”, dám từ chối còn là một kỹ năng sống rất cần thiết trong một xã hội đầy cám dỗ nữa. Nếu bạn bè rủ rê con làm điều xấu như trộm cắp, dùng ma tuý, chơi điện tử rồi thành nghiện, xem những video độc hại…thì chính thói quen biết từ chối thẳng thừng, biết nói “Không” với những cái mình không muốn, sẽ là một kỹ năng cứu con bạn ra khỏi những cạm bẫy đó.
Có rất nhiều câu chuyện đau lòng xảy đến với những đứa trẻ ở độ tuổi teen và bắt đầu vào đại học-khi bắt đầu bung ra khỏi vòng vây kìm kẹp của gia đình, chúng dễ dàng bị sa ngã, bị cuốn theo những lời dụ dỗ, rủ rê của bạn bè làm những điều xấu, và một trong những nguyên nhân đó là trẻ không được dạy kỹ năng từ chối.
Có thể trẻ không thích việc đó, nhưng mà nếu từ chối lại sợ bạn không chơi với mình nữa thì sao, hay bị doạ dẫm nên đành tặc lưỡi nhắm mắt làm liều thôi chỉ 1 lần thôi. Nhưng có một lần thì sẽ có lần tiếp theo, và đó là quy luật chung để dẫn những đứa trẻ đi vào con đường sa ngã.
Còn những đứa trẻ học được cách nói “Không, tớ không thích” mà chả sợ phải nhìn sắc mặt hay thái độ bạn bè (chơi thì chơi không chơi thì thôi), đương nhiên chúng sẽ không dễ dàng để bị dụ dỗ như vậy.
Trong quá trình để học được cách từ chối ấy rất cần bố mẹ phải sát sao và đồng hành cùng con ở giai đoạn mầm non và tiểu học.
Mọi quả ngọt không phải ngẫu nhiên mà có, tất cả đều cần thời gian để ươm mầm, chăm bón cho đơm hoa kết trái mà thành.
Trích dẫn
❤Tác giả bài viết : Dr Nguyễn Thị Thu (Aki Nguyễn).
❤Cám ơn Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu – Aki Nguyễn về nội dung bài viết rất hay và thiết thực. Chị cũng chính là tác giả cuốn sách “Kỷ luật mềm của trái tim” và dịch giả của cuốn “Chờ đế nmẫu giáo thì đã muộn”.
Trung tâm Anh Ngữ RED APPLE ENGLISH:
website: Trang chủ – RED APPLE ENGLISH
Fb: (10) Facebook
Youtube: Red Apple English – YouTube